WPFD Statement: Vietnamese
Ngày Tự do Báo chí Thế giới
Tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc,
Michelle Bachelet
Ngày 3, tháng 5, năm 2021
Một nền báo chí tự do, không bị kiểm duyệt và tự chủ là nền tảng của các xã hội dân chủ. Nó có thể giúp đem đến những thông tin cứu sinh trong giai đoạn khủng hoảng; làm cơ sở cho sự tham gia của công chúng; và giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình và sự tôn trọng đối với các quyền con người.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới là cơ hội để biểu dương những nhiệm vụ quan trọng này của báo chí. Đặc biệt là ngày hôm nay, chúng ta đánh dấu kỷ niệm lần thứ 30 của Tuyên ngôn Windhoek, khi một nhóm các nhà báo người châu Phi đề ra những nguyên tắc căn bản về tự do báo chí.
Tuy đóng vai trò vô cùng quan trọng, các nhà báo thường xuyên và ngày càng phải đối mặt với những cuộc tấn công, đe dọa, quấy rối và truy tố hình sự vì công việc của họ. Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ đáng quan ngại về bạo lực trên cơ sở giới đối với các nữ nhà báo, bao gồm lạm dụng và quấy rối tình dục trên mạng.
Số lượng các nhà báo và người làm truyền thông bị sát hại trong thập kỷ vừa qua là gần một nghìn người. Số lượng gây sốc của các vụ tấn công, bao gồm cả những cuộc tấn công từ các tổ chức Nhà nước, các nhóm vũ trang hoặc tội phạm cũng tàn nhẫn như sự thiếu hành động trước những vụ tấn công này.
Số ít trường hợp những người chịu trách nhiệm bị truy tố và trừng phạt thường là kết quả của nhiều năm vận động cho công lý và thường khiến gia đình nạn nhân phải chịu nhiều tổn thất.
Sự trừng phạt gần như tuyệt đối này góp phần khiến những vi phạm trên tái diễn và tạo ra bầu không khí sợ hãi cho các nhà báo, gia đình của họ và toàn xã hội nói chung.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy rõ rằng việc đưa tin phản biện về các chính sách của nhà nước hoặc các nhân vật của công chúng thường xuyên bị truy tố. Các luật được thông qua hoặc áp dụng nhằm hạn chế và hình sự hóa thông tin sai lệch trong đại dịch cũng được các Quốc gia sử dụng để nhắm tới các nhà báo.
Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều người xuống đường để đòi hỏi những quyền về kinh tế và xã hội cũng như yêu cầu chấm dứt sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc có hệ thống, sự trừng phạt và nạn tham nhũng. Các nhà báo hoàn thành vai trò cơ bản của họ khi đưa tin về những cuộc biểu tình xã hội lại trở thành mục tiêu. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của việc sử dụng vũ lực không cần thiết và sự thiếu cân đối trong thi hành luật, bắt giữ người vô cớ và truy tố hình sự.
Các vụ tấn công, bắt giữ và truy tố hình sự một nhà báo càng góp phần ngăn cản các nhà báo khác đưa tin phê bình về những vấn đề liên quan. Việc này làm nghèo đi những cuộc tranh luận công khai và cản trở khả năng đối phó một cách hiệu quả của chúng ta với những thách thức xã hội, bao gồm đại dịch COVID-19.
Công việc của các nhà báo và nhân viên truyền thông đóng vai trò thiết yếu giúp thế giới hồi phục tốt hơn sau sự tàn phá của cuộc khủng hoảng này. Tin tức khách quan, đáng tin cậy và được kiểm chứng thực tế sẽ chống lại những thông tin sai lệch; giúp đảm bảo khả năng chống chịu và bền vững của những giải pháp đối với các thách thức hiện tại; đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; và nuôi dưỡng niềm tin vào các tổ chức.
Thông tin chính xác là một lợi ích công bởi nó đóng góp vào hạnh phúc của nhân loại. Sự im lặng của nhà báo là tổn thất đối với toàn xã hội.
Để biểu dương lòng dũng cảm của các nhà báo trong việc quyết tâm đem lại thông tin cho công chúng, chúng ta phải yêu cầu quyền của họ thực sự được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.